Các quốc gia Hộ_khẩu

Trung Quốc

Do sự liên kết của nó với các chương trình xã hội do chính phủ cung cấp, phân công lợi ích dựa trên tình trạng cư trú nông nghiệp và phi nông nghiệp (thường được gọi là nông thôn và thành thị), hệ thống hukou đôi khi được ví như một dạng hệ thống phân tầng xã hội tại Trung Quốc.[6][7][8] Nó đã là nguồn gốc của nhiều bất bình đẳng trong nhiều thập kỷ kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, khi người dân thành thị nhận được các lợi ích từ lương hưu đến giáo dục đến chăm sóc sức khỏe, trong khi công dân nông thôn thường phải tự lo liệu. Trong những năm gần đây, chính quyền trung ương đã bắt đầu cải cách hệ thống để đáp trả các cuộc biểu tình và một hệ thống kinh tế đang thay đổi, nhưng các chuyên gia suy đoán liệu những thay đổi này có phải là thực chất hay không.[9][10]

Việt Nam

Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã áp dụng phương thức quản lý theo hộ khẩu từ thập niên 1950.

Thực hiện ở thành phố

Theo báo cáo của Uỷ ban hành chính Hà Nội và Hải Phòng thì trong năm 1956, hai thành phố đã vận động được một số đông đồng bào có quê quán ở nông thôn về địa phương tham gia sản xuất nông nghiệp. Nhưng từ khi phát hiện sai lầm về cải cách ruộng đất và trong khi thành phố tiến hành sửa chữa một số khuyết điểm trong công tác quản lý hộ khẩu, thì số người ở nông thôn lại trở ra thành phố ngày càng nhiều, dân số hai thành phố lại đông hơn trước.

Trong hoàn cảnh kinh tế lúc đó, việc nông dân bỏ nông thôn ra thành phố đã gây ra nhiều bất lợi, làm cho thành phố tăng thêm số người không có việc làm, trong khi ở nông thôn lực lượng sản xuất nông nghiệp bị giảm bớt, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch của Nhà nước. Hội đồng Chính phủ đã có Thông tư số 495 TTg ngày 23 tháng 10 năm 1957 về việc hạn chế đồng bào ở nông thôn ra thành phố. Vận động những người muốn bỏ nông thôn ra thành phố kiếm công ăn việc làm ở lại sản xuất, trường hợp xét thật cần thiết mới cấp giấy cho di chuyển ra thành phố ở như: thợ chuyên nghiệp do cơ quan hoặc tư nhân yêu cầu, các ngành ở trung ương hoặc ở thành phố, mỗi khi cần đến nhân công để xây dựng một công trình gì ở thành phố thì phải có kế hoạch bàn với Bộ Lao động và Sở lao động thành phố để có sự phối hợp và điều chỉnh nhân công cho hợp lý: không tự tiện về nông thôn mộ nhân công. Tuyên truyền để cán bộ, nhân viên ở thành phố không đưa gia đình ra thành phố và khuyến khích trở về nông thôn nếu có điều kiện để sản xuất. Có biện pháp thích hợp về hành chính, về kinh tế để hạn chế nông dân ra thành phố ở như: quản lý chặt chẽ công tác hộ khẩu, giải quyết dần dần hàng vỉa hè v.v...

Áp dụng ở nông thôn

Ngày 9 tháng 9 năm 1960 Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ tạm thời quy định việc tuyển dụng và sử dụng nhân công ở nông thôn kèm theo Nghị định số 36/CP, Bộ Lao động có trách nhiệm quản lý việc thi hành chính sách tuyển dụng và sử dụng nhân công. Dựa theo kế haọch nhân công của kế hoạch Nhà nước và tình hình nhân công địa phương, Bộ lao động phân phối nhiệm vụ cung cấp nhân công cho các khu, thành phố, tỉnh. Các Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh có trách nhiệm kế hoạch nhân công và quản lý các nguồn nhân công trong địa phương. Căn cứ vào nhiệm vụ cung cấp nhân công do Bộ lao động giao cho và tình hình nhân công địa phương, các Ủy ban kể trên phân phối nhiệm vụ cung cấp nhân công cho các huyện, châu, quận phân phối lại nhiệm vụ ấy cho các xã, Uỷ ban hành chính xã phải căn cứ nhiệm vụ của cấp trên giao cho và tuỳ theo kế hoạch lao động sản xuất của hợp tác xã mà bố trí, giới thiệu người đi làm theo đúng yêu cầu thời gian. Ngoài kế hoạch phân phối, các Uỷ ban hành chính huyện (hoặc châu, quận), xã, các Ban quản trị hợp tác xã, các đoàn thể ở nông thôn không được giới thiệu người ra tìm việc tại các thành phố hoặc tại các xí nghiệp, công trường. Không được tuyển dụng địa chủ và các phần tử xấu. Nếu đã trót tuyển dụng địa chủ và những phần tử xấu thì giải quyết: Đối với địa chủ cường hào gian ác và những phần tử xấu "có nhiều tội ác với nhân dân", phải kiên quyết đưa về địa phương như bắt họ phải cải tạo trong lao động sản xuất nông nghiệp, dưới sự kiểm soát của chính quyền và nhân dân địa phương. Đối với địa chủ thường, cũng cho về địa phương, lấy lao động sản xuất nông nghiệp để cải tạo. Đối với địa chủ kháng chiến và con cái địa chủ, thì xử lý theo tinh thần chính sách đang làm ở các xí nghiệp, công trường và làm việc tích cực, có thái độ tốt, thì để họ tiếp tục làm việc, nhưng cần phải theo dõi, giáo dục, giúp đỡ tiến bộ và cho nhập hộ khẩu vào thành phố.

Ngày 27 tháng 6 năm 1964, Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ đăng ký và quản lý hộ khẩu kèm Nghị định 104/CP. Theo nghị định này, mỗi công dân phải đăng ký là nhân khẩu thường trú trong một hộ nhất định, hộ này là nơi ở thường xuyên của mình. Việc đăng ký và quản lý hộ khẩu lấy hộ làm đơn vị. Một hộ gồm những người ăn ở chung với nhau trong một nhà riêng hoặc trong nhà tập thể của cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường, trường học. Một người ăn ở riêng một mình cũng kể như một hộ. Trường hợp chuyển chỗ ở đến một thành phố, thị xã, thì khi đến đăng ký lấy giấy "Chứng nhận chuyển đi", đương sự phải đem theo một trong những giấy tờ: Giấy thuyên chuyển công tác; Giấy chứng nhận được tuyển dụng do cơ quan quản lý lao động ở thành phố, thị xã nơi chuyển đến cấp; Giấy chứng nhận trúng tuyển vào học các trường đại học hay trường chuyên nghiệp của thành phố, thị xã đó; Giấy "cho phép chuyển đến" do cơ quan công an của thành phố, thị xã đó cấp. Mẫu sổ hộ khẩu và mẫu các giấy chứng nhận về quản lý hộ khẩu do Bộ Công an quy định.

Theo Nghị định số 51 ký ngày 10 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ Việt Nam và Thông tư số 06-TT/BNV (C13), ký ngày 20 tháng 6 năm 1997 của Bộ Nội vụ Việt Nam, mẫu Sổ hộ khẩu do Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) phát hành thống nhất trong cả nước, gồm các loại chính: Sổ hộ khẩu gốc (sổ đăng kí hộ khẩu) do cơ quan công an trực tiếp lập, lưu giữ. Sổ hộ khẩu gốc được lập theo khu vực dân cư của đơn vị hành chính phường, xã, thôn, xóm, bản, đường phố, tổ dân phố hoặc theo nhà ở tập thể của các cơ quan, tổ chức và là tài liệu pháp lý, làm cơ sở để xác nhận việc cư trú của công dân, là căn cứ để điều chỉnh sổ hộ khẩu gia đình, giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể và một số việc khác. Sổ hộ khẩu gia đình được cấp cho từng hộ gia đình để đăng ký hộ khẩu thường trú trên các địa bàn trong cả nước.

Ở nông thôn, trừ các xã, thị trấn của các thành phố trực thuộc trung ương, sổ hộ khẩu do trưởng công an xã, thị trấn lập và lưu giữ. Ở các thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh và thị xã, sổ hộ khẩu do trưởng công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập và lưu giữ. Sổ có giá trị pháp lý khi giao dịch các công việc có liên quan đến yêu cầu cần có sổ hộ khẩu. Giấy nhân khẩu tập thể do trưởng công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh ký. Giấy có giá trị pháp lý khi quan hệ giao dịch có liên quan đến yêu cầu cần có sổ hộ khẩu. Trước đó, việc quản lý và cấp sổ hộ khẩu được tiến hành theo quy định của Nghị định số 104-CP, ngày 27 tháng 6 năm 1964 và Nghị định số 4-HĐBT, ngày 7 tháng 1 năm 1988.

Quy định hiện hành 2017

Theo Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký có hiệu lực từ ngày 30 tháng 10 năm 2017 ban hành về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an, để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.

Theo đó, ở nhóm thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, các loại giấy tờ về chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng sẽ được bãi bỏ. Việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn Sổ tạm trú mà thay bằng việc cập nhật thông tin cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cùng với đó, các thủ tục như tách sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, gia hạn tạm trú… cũng được bãi bỏ. Các thủ tục liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh, đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện… cũng sẽ bỏ việc yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, giấy Chứng minh nhân dân[11][12].

Trên giấy tờ thì chính quyền chính thức bỏ hộ khẩu nhưng một số luật gia thì sắc lệnh chỉ chuyển hình thức hộ khẩu bằng giấy sang hộ khẩu điện tử vì công an vẫn quản lý thủ tục đăng ký nơi cư trú. Hiện tại, đây là cũng là cách nhiều nước trên thế giới áp dụng để quản lý dân cư.[13]

Trung Quốc và Đài Loan

Hộ khẩu hiện đại của Trung Quốc được áp dụng từ năm 1953. Hiện tại Trung Quốc và Đài Loan vẫn duy trì hệ thống hộ khẩu.

Triều Tiên

Hiện tại Triều Tiên vẫn duy trì hệ thống hộ khẩu và kiểm soát chặt chẽ đi lại và di chuyển chỗ ở từ nông thôn - thành thị và ra nước ngoài.

Hàn Quốc

Hệ thống hộ khẩu ở Hàn Quốc có tên là Hoju (Hangul: 호주; hanja: 戶主; âm Hán Việt: hộ chủ) được áp dụng từ năm 1953 nhưng đến năm 2008 thì bị triệt bỏ vì cho là vi hiến chiếu theo Tòa Hiến pháp.[14] Tại Hàn Quốc, hệ thống hoju đã bị bãi bỏ vào tháng 1 năm 2008.[15]

Nhật Bản

Ở Nhật Bản, hộ khẩu được gọi là “koseki” hay phiếu chứng nhận nơi cư trú.[16] Công dân phải đăng ký cư trú tại đơn vị hành chính nơi đang cư trú. Phiếu cư dân cần dùng cho việc đăng ký nhà đất, xin nhập học, vay ngân hàng hoặc thi lấy giấy phép lái xe… Khi chuyển địa chỉ, dân Nhật cần đến cơ quan hành chính quận/huyện, điền vào phiếu chuyển địa chỉ rồi nộp cho phòng cư dân, thủ tục này chỉ mất 15 phút. Khi cần phiếu cư dân, họ điền vào đơn xin cấp phiếu cư dân, nộp lệ phí rồi được hẹn lịch lấy, thủ tục này cũng chỉ mất khoảng 15 phút.[17]

Nga

Mặc dù không liên quan về nguồn gốc, propiska ở Liên Xô và đăng ký thường trú tại Nga có mục đích tương tự và phục vụ như một hình mẫu cho hệ thống hộ khẩu của Trung Quốc ngày nay.[18][19]